You are here:

“…Cầu Thê Húc màu son, cong cong như con tôm, dẫn vào đền Ngọc Sơn. Mái đền lấp ló bên gốc đa già, rễ lá xum xuê…” – Đó là những hình ảnh trong bài tập đọc lớp 1 có lẽ đã quá thân quen với bao người Hà Nội. Trong suốt chiều dài hơn một thế kỷ qua, đối với họ, cầu Thê Húc đã trở thành biểu tượng cho nét đẹp văn hóa và tâm linh của Thủ đô. Thế nhưng, đi cùng với quãng thời gian ấy là những giá trị lịch sử và bí mật không phải ai cũng biết.

Hình ảnh toàn cảnh cầu Thê Húc mới- nguồn: sưu tầm

Căn cứ vào bài văn bia “Ngọc Sơn Đế Quân từ kí” do tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn: Khoảng cuối thời Lê, ở đảo Ngọc Hồ Gươm có đài câu, nơi vua Lê, chúa Trịnh đến câu cá. Khoảng đầu đời Gia Long (1801- 1819), đền thờ Quan Đế (Quan Công) được dựng lên. Sau đó, một người tên hiệu là Tín Trai, dân làng Nhị Khê, nhân có đền Quan Đế ở đó đã mở rộng, sửa sang thêm, đặt tên là chùa Ngọc Sơn (tính chất là chùa tư gia). Ông Tín Trai mất, và khi đó chùa cũng đổ nát.

Cũng thời gian này, Hội Hướng Thiện mới được những người khoa mục lập ra. Chủ trương làm điều có ích cho dân. Hội vốn thờ Văn Xương Đế Quân. Con cháu ông Tín Trai nhượng chùa Ngọc Sơn cho Hội Hướng Thiện và từ đó, đền Ngọc Sơn trở thành trụ sở của Hội Hướng Thiện. Vào thời điểm này, việc qua lại đền vẫn phải dùng thuyền.

Khoảng năm 1859- 1862, thay Hội trưởng Vũ Tông Phan đã mất, Nguyễn Văn Siêu- một nhà thơ, nhà văn hóa lớn của Hà Nội đứng ra chủ trì cuộc trùng tu lớn, tôn tạo lại toàn bộ khu vực đảo Ngọc.

Công trình hoàn tất vào cuối năm 1862. Trong đó một cây cầu được bắc từ bờ ra đền và đặt tên là Thê Húc, nghĩa là “ánh sáng ban mai đọng lại”. Năm 1865, Nguyễn Văn Siêu lại nhờ Đặng Huy Tá soạn bài văn bia về công cuộc trùng tu và nhắc lại mục đích của đền Ngọc Sơn, là giúp người tu thân, nhằm “ngăn lòng dục của người, mà bảo tồn lẽ phải của Trời”, và cho khắc dựng trong đình Trấn Ba(1).

Sau khi hạ thành Hà Nội năm 1882, đền Ngọc Sơn trở thành nơi ở của một viên quan tư trong quân đội viễn chinh Pháp.

Trong cuốn Hà Nội và những vùng phụ cận của Claudius Madrolle xuất bản năm 1892, tác giả viết: “Cầu Thê Húc được trùng tu vào năm 1887 để thay thế chiếc cầu ọp ẹp. Nó được thay bằng một chiếc cầu gỗ duyên dáng có tính mỹ thuật, được sơn màu đỏ có dáng uốn cong như cầu vồng”(2).

Sơ đồ đền Ngọc Sơn với cầu Thê Húc/ĐCHN/nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I(3)

Câu chuyện cầu Thê Húc bị sập

Cầu Thê Húc bị sập năm nào? cầu được trùng tu hay xây mới? ai là người đứng ra tổ chức trùng tu (xây mới) cầu và cầu được hoàn thành vào thời gian nào? là những câu hỏi mà hiện đang có nhiều câu trả lời khác nha.

Tôi đã đọc rất nhiều bài viết trên các báo mạng, trên các nhóm hội của những người yêu Hà Nội thì theo phong tục của người Hà Nội xưa là sau giao thừa thường vào đình, đền lễ và xin lộc. Lộc là những cành lá non do nhà đền chuẩn bị sẵn. Nếu hết thì xin mấy nén hương về thắp. Cũng theo tục lệ sáng mồng một tết thường đi lễ đền và chùa. Tết Nhâm Thìn 1952, người dân đi lễ đền Ngọc Sơn quá đông khiến cầu Thê Húc bị sập. Nguyên nhân là từ lâu cầu không được chính quyền tu bổ nên gỗ bị mục và lại phải chịu tải quá lớn. Và thị trưởng Hà Nội lúc bấy giờ đã cho phá bỏ cầu cũ, xây cầu mới. Để có thiết kế đẹp, ông tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu và trong hơn ba chục mẫu của các kiến trúc sư có cả Pháp lẫn Việt tham gia, thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm (1908- 1999) được lựa chọn. Ông vẫn giữ lại dáng cong cầu vồng xưa, kết cấu gỗ, nâng cao dáng vòng cung, làm cầu thêm phần uyển chuyển, mềm mại lại rất thông dụng, khoảng không gian mặt nước lớn hơn, thuận lợi cho biểu diễn các môn thể thao: đua thuyền, lướt ván vẫn thường diễn ra trên mặt nước hồ Hoàn Kiếm những ngày lễ, tết…”.

Nhưng theo tài liệu lưu trữ hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và tài liệu, báo chí tôi đã có từ nguồn của Thư viện Quốc gia thì đêm 30 Tết Quý Tỵ (tức ngày 13/02/1953 dương lịch), người Hà Nội theo cổ tục, rủ nhau đến đền Ngọc Sơn hái lộc. Vì lượng người qua lại cầu quá đông nên cầu Thê Húc đã bị gãy sập và một số người đã bị ngã xuống Hồ nhưng rất may là không có thiệt hại gì về người(4).

Cầu Thê Húc bị sập, Phủ Thủ Hiến đã cho phép Ban Quản trị đền Ngọc Sơn mở một cuộc lạc quyên để lấy tiền tu sửa cầu. Nhưng vì chỉ được mở cuộc lạc quyền này ở Hà Nội trong vòng 6 tháng nên kết quả tính đến ngày 31/10/1953 mới được 150.000 đồng, cộng với 70.000 đồng tiền quỹ công đức của Đền thì số tiền tổng cộng mới được 220.000 đồng bạc. Nếu tính theo thời giá, nếu thay gỗ “sao” bằng gỗ “lim” để có thể chịu được mưa gió và làm thêm vài công tác tô điểm cho cầu như những quyết định mới của Sở Bảo tồn Cổ tích thì tổng kinh phí tu sửa cầu sẽ lên đến 500.000 đồng(5).

Phiếu lạc quyên tiền để trùng tu cầu Thê Húc- nguồn: sưu tầm

Vì lý do trên mà Ban Quản trị đền Ngọc Sơn đã nhiều lần làm đơn xin thành phố Hà Nội trợ cấp thêm kinh phí để tu sửa cầu.

Trong báo cáo trình bày về việc trùng tu cầu Thê Húc của ông Đỗ Quang Giai, Thị trưởng thành phố (8/1952 đến 10/1954) ngày 25/9/1953 trong đơn cuối cùng Ban Quản trị đền Ngọc Sơn đã trình bày rằng: “Đúng lý ra thì Thành phố Hà Nội phải cáng đáng tất cả kinh phí về việc trùng tu một thắng cảnh “xếp hạng” như cầu Thê Húc, cầu Thê Húc không thuộc về một tông giáo nào mà là tài sản tinh thần của toàn quốc. Nay, Ban Quản trị đền Ngọc Sơn đã thu thập được 220.000 đồng, Thành phố cũng cần trợ cấp một số tiền tương đương để có thể hoàn thiện công cuộc trùng tu cầu Thê Húc trước tết Nguyên Đán.” Bởi vậy, Ban Quản trị đền Ngọc Sơn có đề nghị Hội đồng thành phố xét lại lần nữa, để trợ cấp cho đủ tiền trùng tu cầu Thê Húc(6).

Để tăng thêm phần mỹ quan cho thành phố, trong phiên họp ngày 13/10/1953, Hội đồng thành phố đã quyết nghị chấp thuận việc trích từ qũy từ thiện của thành phố 2 vạn đồng để giúp cho Ban Quản trị đền Ngọc Sơn trùng tu cầu Thê Húc(7). Song quyết định này đã gặp phải sự phản đối của Phủ Thủ Hiến. Qua công văn số 37.618 PTH/TC ngày 6/11/1953, Phủ Thủ Hiến cho biết lý do không thể chuẩn y đề nghị của Hội đồng thành phố về việc trích qũy từ thiện hai vạn đồng để trợ cấp Ban Quản trị đền Ngọc Sơn trong việc trùng tu cầu Thê Húc(8).

Vấn đề trợ cấp kinh phí trùng tu cầu Thê Húc lại một lần nữa được đưa vào chương trình bàn luận của Hội đồng thành phố Hà Nội trong phiên họp ngày 15/12/1953. Tại phiên họp đã có rất nhiều ý kiến đưa ra:

– Đền Ngọc Sơn là một danh thắng trong thành phố, việc trùng tu này đáng lẽ thành phố phải làm.

– Nếu thành phố không đảm nhiệm thì Sở Bảo tồn Cổ tích phải đứng ra đảm nhiệm. Tại sao lại để một tổ chức ở bên ngoài đứng ra làm. Chúng ta phải giải quyết bằng cách nào, hoặc giao đền Ngọc Sơn cho Sở Bảo tổn Cổ tích hay là định lại việc quản trị đền chùa, rồi chúng ta sẽ đứng ra đảm nhiệm làm cái cầu cho đẹp đẽ hơn.

Thị trưởng Đỗ Quang Giai đã trả lời: Việc tu bổ cầu này, Ban Quản trị đền Ngọc Sơn đã có xin phép quyên. Theo tục lệ của người Việt, cái quyền quyên đó dành riêng cho các đền chùa để lấy tiền tu sửa không cần phải qũy thành phố.

Nhưng kết thúc phiên họp, để đảm bảo mỹ quan cho thành phố và để khách thập phương có thể đến đền Ngọc Sơn lễ bái an toàn, Hội đồng thành phố đã đưa ra quyết nghị trợ cấp 2 vạn đồng cho Ban Quản trị đền Ngọc Sơn để trùng tu cầu kịp Tết Giáp Ngọ(9).

Theo bài viết đăng trên báo “Tia sáng”, số ra ngày 30/01/1954 thì công việc trùng tu cầu chưa hoàn thiện về mặt mỹ thuật, nhưng bắt đầu từ 30 Tết khách thập phương đã có thể qua lại cầu(10). Như vậy sau một năm bị sập, cầu Thê Húc mới đã được trùng tu và đi vào hoạt động trong dịp Tết năm 1954.

Người dân đi qua cầu Thê Húc để vào đền Ngọc Sơn thắp hương đầu năm 1954 – nguồn: sưu tầm

Trên đây, tôi xin cung cấp thêm một số thông tin để người yêu Hà Nội hiểu rõ hơn về lịch sử cây cầu với một cái tên mang ý nghĩa thật đẹp “ánh sáng ban mai đọng lại”:

Tài liệu tham khảo:

(1). http://hovuvovietnam.com;

(2). http://hanoimoi.com.vn;

(3). Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/SCDHN/708;

(4). TVQG/Báo “Tia sáng”, số ra ngày 07/02/1954;

(5), (6). Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/TCHN/89/14;

(7). Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/TCHN/89/16;

(8). Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/TCHN/89/15;

(9). Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/TCHN/90-01/56-57;

(10).  TVQG/Báo “Tia sáng”, số ra ngày 30/01/1954.

(theo Trung tâm lưu trữ quốc gia I)

tiêu đề tự đặt

Bài khác